Phát minh cách biến gỗ thành đá
Các nhà nghiên cứu tại một Phòng thí nghiệm quốc gia ở trung nam Washington đã tìm ra cách rút ngắn thời gian hoá thạch gỗ - một quá trình mà bà mẹ thiên nhiên phải mất hàng triệu năm - xuống chỉ còn vài ngày.
Phát minh cách biến gỗ thành đá
Giải pháp này hứa hẹn những ứng dụng lớn trong việc phân tách các hoá chất công nghiệp hay lọc bỏ chất ô nhiễm, Yongsoon Shin, nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm quốc gia Pacific Northwest, cho biết.
"Gỗ hoá thạch là vật liệu rất xốp và rất cứng, nó không thực sự mang tính chất của gỗ nữa", Shin nói. Ông cho biết giống như các khoáng sản, gỗ hoá thạch có bề mặt cứng, rộng, và những lỗ rỗng ở bên trong, khiến nó trở thành vật liệu lý tưởng để hút hoặc phân tách các chất, hoặc đóng vai trò là chất xúc tác trong những quá trình khác.
Trong tự nhiên, quá trình gỗ hoá thạch xảy ra khi thân cây bị chôn vùi mà không có ôxy. Dần dần, thành phần gỗ mủn ra, thế vào đó là các chất khoáng trong đất.
Để hoá đá gỗ, các nhà nghiên cứu đã sử dụng vật liệu là những miếng ván thông và gỗ dương. Họ ngâm một centimet khối gỗ vào dung dịch axit trong 2 ngày, rồi trong một dung dịch silic thêm hai ngày nữa và để khô. Các miếng gỗ sau đó được nung trong một cái lò chứa đầy khí argon ở nhiệt độ 1.400 độ C, và làm nguội trong môi trường khí argon ở nhiệt độ phòng.
Sản phẩm tạo ra là một carbua silicon mới, sao chép chính xác đặc điểm của gỗ hoá thạch.
Nhóm nghiên cứu giờ đây tập trung vào việc tạo ra những lỗ rỗng nhỏ, có hình dáng theo ý muốn trên gỗ hoá thạch, nhằm tạo cho vật liệu độ xốp lớn hơn, và do đó sẽ có ích hơn trong công nghiệp.